1. Tạm Nhập Tái Xuất Là Gì?
Theo Điều 29 của Luật Thương mại số 36/2005/QH11, tạm nhập tái xuất hàng hóa được định nghĩa là việc đưa hàng hóa từ nước ngoài hoặc khu vực đặc biệt trên lãnh thổ Việt Nam (được xem là khu vực hải quan riêng theo quy định pháp luật) vào Việt Nam, thực hiện thủ tục nhập khẩu và sau đó xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.
Bản chất của tạm nhập tái xuất là hoạt động mua bán hàng hóa. Do đó, việc kinh doanh trong lĩnh vực này dựa trên hợp đồng mua bán được ký kết giữa thương nhân Việt Nam và các thương nhân nước ngoài.
Lưu ý:
-
Hợp đồng mua không nhất thiết phải được ký kết trước hợp đồng bán, cho phép thương nhân linh hoạt trong việc tận dụng cơ hội kinh doanh.
-
Thời hạn lưu hành của hàng hóa tạm nhập tái xuất vào Việt Nam thường không quá 60 ngày kể từ ngày hoàn tất thủ tục hải quan. Nếu cần gia hạn, thương nhân phải gửi đề nghị gia hạn đến Chi cục Hải quan, và mỗi lô hàng chỉ được gia hạn tối đa 2 lần, mỗi lần không quá 30 ngày. Quá thời hạn này, hàng hóa phải được tiêu hủy hoặc tái xuất khỏi Việt Nam.
2. Các Hình Thức Tạm Nhập Tái Xuất Hàng Hóa
Theo Nghị định 69/2018/NĐ-CP, có các hình thức tạm nhập tái xuất như sau:
a. Tạm Nhập Tái Xuất Hàng Hóa Theo Hình Thức Kinh Doanh
Hàng hóa tạm nhập tái xuất có điều kiện như nhóm hàng thực phẩm đông lạnh, hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt, và hàng hóa đã qua sử dụng.
Điều kiện kinh doanh bao gồm việc thành lập hợp pháp và được cấp mã số kinh doanh hàng hóa tạm nhập tái xuất.
b. Tạm Nhập Tái Xuất Theo Hợp Đồng Thuê, Mượn, Bảo Dưỡng, Bảo Hành
Thương nhân Việt Nam có quyền ký hợp đồng với thương nhân nước ngoài để thuê, mượn hàng hóa, với điều kiện không thuộc diện cấm xuất nhập khẩu.
c. Tạm Nhập Tái Xuất Để Bảo Hành, Tái Chế
Thương nhân có thể tạm nhập hàng hóa đã xuất khẩu để bảo hành hoặc tái chế theo yêu cầu của thương nhân nước ngoài mà không cần giấy phép tạm nhập tái xuất.
d. Tạm Nhập Tái Xuất Để Giới Thiệu, Trưng Bày
Hàng hóa có thể được tạm nhập để tham gia triển lãm thương mại, hội chợ, trừ những hàng hóa bị cấm xuất nhập khẩu.
e. Tạm Nhập Tái Xuất Vì Mục Đích Nhân Đạo
Bao gồm dụng cụ khám chữa bệnh, trang thiết bị thể thao, nhưng cần có văn bản cho phép từ cơ quan có thẩm quyền nếu thuộc danh mục hàng hóa cấm.
3. Bộ hồ sơ hải quan cần thiết cho hàng tạm nhập tái xuất
Doanh nghiệp cần chuẩn bị các chứng từ bổ sung tùy thuộc vào mục đích của lô hàng tạm nhập tái xuất, bao gồm:
-
Hợp đồng sửa chữa, hợp đồng bảo hành, hợp đồng thuê mướn, v.v.
-
Hóa đơn thương mại (Commercial Invoice) từ công ty gửi hàng. Giá trị hàng hóa có thể là 100% nếu là hàng mới chưa sử dụng hoặc hàng mang đi triển lãm, hoặc chỉ còn 10-20% giá trị ban đầu nếu đã qua sử dụng.
-
Danh sách đóng gói (Packing List).
-
Công văn xin tạm nhập – tái xuất.
-
Tờ khai tạm nhập.
-
Vận đơn (Bill of Lading).
Lưu ý quan trọng:
Cần ghi rõ số serial number, model, hãng sản xuất và xuất xứ trên chứng từ phải khớp với hàng hóa. Có thể yêu cầu chụp ảnh hàng hóa trước khi gửi để kiểm tra với chứng từ. Giá trị hàng hóa sẽ không bị tính thuế đối với hàng tạm nhập, ngoại trừ trường hợp tạm nhập theo hình thức thuê mướn, khi đó phí thuê mướn sẽ được tính thuế nhập khẩu dựa trên mã HS của hàng hóa như khi nhập kinh doanh bình thường. Hàng sẽ không chịu thuế VAT, đây là điểm cần lưu ý.
4. Quy trình thực hiện thủ tục hải quan tạm nhập tái xuất hàng hóa
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và tài liệu cần thiết
Doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ và tài liệu cho quá trình tạm nhập tái xuất, bao gồm:
-
Đơn đề nghị tạm nhập tái xuất.
-
Hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng tạm nhập tái xuất (nếu có).
-
Hóa đơn thương mại.
-
Bảng kê hàng hóa.
-
Chứng từ vận tải (Bill of Lading hoặc Airway Bill).
-
Giấy phép nhập khẩu (nếu hàng hóa yêu cầu có giấy phép).
-
Các tài liệu khác theo yêu cầu cụ thể của cơ quan hải quan.
Bước 2: Nộp hồ sơ và đăng ký tạm nhập
Doanh nghiệp nộp hồ sơ tại cơ quan hải quan có thẩm quyền và thực hiện đăng ký tạm nhập cho hàng hóa, bao gồm việc khai báo thông tin hàng hóa, mục đích tạm nhập và thời hạn tái xuất.
Bước 3: Kiểm tra hải quan và phê duyệt
Cơ quan hải quan sẽ kiểm tra hồ sơ và hàng hóa để xác minh tính chính xác và hợp lệ. Nếu hồ sơ đầy đủ và đúng quy định, hải quan sẽ cấp phép cho việc tạm nhập hàng hóa.
Bước 4: Nhập khẩu tạm thời và lưu kho
Hàng hóa sẽ được nhập khẩu tạm thời và có thể được lưu trữ tại kho bãi đặc biệt dưới sự giám sát của hải quan. Trong thời gian này, doanh nghiệp có thể thực hiện chế biến, lắp ráp hoặc sửa chữa hàng hóa (nếu cần) trước khi tái xuất.
Bước 5: Tái xuất hàng hóa
Khi đến thời hạn tái xuất, doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ tái xuất và nộp cho cơ quan hải quan. Hồ sơ tái xuất bao gồm: Đơn đề nghị tái xuất, hóa đơn thương mại, bảng kê hàng hóa, chứng từ vận chuyển và các giấy tờ khác tương tự như khi nhập khẩu. Sau khi hồ sơ được hải quan xem xét và phê duyệt, hàng hóa sẽ được tái xuất khỏi Việt Nam.
Bước 6: Đóng hồ sơ tạm nhập tái xuất
Khi quá trình tái xuất hoàn tất, doanh nghiệp cần thông báo cho cơ quan hải quan để đóng hồ sơ tạm nhập tái xuất. Cơ quan hải quan sẽ kiểm tra và xác nhận việc tái xuất hoàn tất, đồng thời đóng hồ sơ tạm nhập tái xuất của doanh nghiệp.
Quy trình tạm nhập tái xuất yêu cầu sự chính xác và tuân thủ các quy định pháp luật. Doanh nghiệp cần chú ý đến các yêu cầu cụ thể của cơ quan hải quan và quy định pháp luật để đảm bảo quá trình diễn ra thuận lợi.
5. Gia hạn tái xuất cho hàng tạm nhập tái xuất
Tại Điều 13, khoản 4, Nghị định 69/2018/NĐ-CP có quy định:
Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất được lưu lại tại Việt Nam không quá 60 ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập. Trường hợp cần kéo dài thời hạn, thương nhân có văn bản đề nghị gia hạn gửi Chi cục Hải quan nơi thực hiện thủ tục tạm nhập; thời hạn gia hạn mỗi lần không quá 30 ngày và không quá hai 2 lần gia hạn cho mỗi lô hàng tạm nhập, tái xuất."
Như vậy, theo quy định trên chỉ trong trường hợp doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa tạm nhập tái xuất thì mới bị giới hạn thời gian tạm nhập tái xuất là 60 ngày, đối với các hàng hóa tạm nhập tái xuất khác thì tùy thuộc vào mục đích và thời hạn của loại hàng hóa tạm nhập, cũng như các quy định riêng của hải quan.
Trường hợp doanh nghiệp chỉ thực hiện tạm nhập máy móc thiết bị theo diện thuê, mượn hoặc để sử dụng vì mục đích khác theo hợp đồng với công ty mẹ ở nước ngoài thì thời hạn tạm nhập tái xuất sẽ theo thỏa thuận của các bên và đăng ký với hải quan khi làm thủ tục tạm nhập.
Luật không có quy định về thời gian tối đa tạm nhập tái xuất và không có quy định hạn chế số lượng/giá trị tạm nhập do đó không phải thực hiện tách khối lượng hàng hóa để nhập thành từng đợt.
Đối với doanh nghiệp thực hiện kinh doanh tạm nhập tái xuất. Doanh nghiệp cần theo dõi và đảm bảo thời gian tạm nhập luôn còn hạn hiệu lực, nếu thấy sắp đến hiệu lực mà hàng hóa chưa sẵn sàng để gửi trả cần gia hạn thêm... thì bạn phải làm thủ tục gia hạn cho tờ khai tạm nhập.
Bộ hồ sơ cho quy trình gia hạn này gồm:
-
Tờ khai tạm nhập bản gốc + bản photo sao y
-
Công văn xin gia hạn
-
Hợp đồng sữa chữa, thuê mướn, triển lãm...
-
Điều khoản, phụ lục có ghi gia hạn trong hợp đồng thuê mướn; hoặc email, công văn thông báo cần thêm thời gian sửa chữa, thuê mượn, triễn lãm...