Thị trường vận tải biển luôn biến động và cạnh tranh khốc liệt. Để giúp bạn nắm bắt được những “ông lớn” đang thống trị ngành này, dưới đây là danh sách 5 hãng tàu lớn nhất thế giới , cùng với những thông tin đáng chú ý về quy mô, thị phần và các dịch vụ của họ.
Top 1 – Mediterranean Shipping Company SA (MSC)
MSC – Gã khổng lồ của ngành vận tải biển toàn cầu
Mediterranean Shipping Company SA (MSC) – một trong những cái tên quyền lực nhất trong ngành vận tải biển, được Gianluigi Aponte sáng lập tại Ý vào năm 1970. Từ năm 1978, trụ sở chính của MSC được đặt tại Geneva, Thụy Sĩ, và công ty vẫn thuộc quyền sở hữu của gia đình Aponte.
Tính đến tháng 7/2024, MSC chính thức trở thành hãng tàu lớn nhất thế giới, không chỉ dẫn đầu về số lượng tàu mà còn chiếm tới 20% tổng sức chứa container toàn cầu.
Đặc biệt, vào tháng 3/2023, MSC liên tiếp lập kỷ lục với hai con tàu container lớn nhất thế giới: MSC Tessa (24.116 TEU) ra mắt ngày 10/3, chỉ ba ngày sau đó, MSC Irina (24.345 TEU) tiếp tục nâng tầm sức mạnh đội tàu.
Hiện nay, MSC đang vận hành 846 tàu, với tổng sức chứa vượt 6 triệu TEU, khẳng định vị thế thống trị trong ngành vận tải biển toàn cầu.
Top 2 – Maersk Line
Maersk Line – Ông lớn của ngành vận tải container thế giới
Là công ty vận chuyển container hàng đầu của Đan Mạch, Maersk Line trực thuộc tập đoàn Maersk – một trong những tập đoàn kinh doanh đa ngành lớn nhất nước này. Được thành lập từ năm 1928, Maersk Line hiện là hãng tàu container lớn thứ hai thế giới, cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa đến 374 cảng tại 116 quốc gia.
Vào năm 2019, Maersk Line có đội ngũ nhân sự hùng hậu với 83.625 nhân viên, trong đó 18.398 thủy thủ trực tiếp vận hành tàu và 65.227 nhân viên đảm nhiệm công việc tại các văn phòng và cảng trên toàn cầu.
Bước sang năm 2024, Maersk Line tiếp tục khẳng định vị thế với thị phần 14,6%, vận hành hơn 713 tàu với tổng sức chứa lên đến 4,3 triệu TEU, góp phần không nhỏ vào dòng chảy thương mại quốc tế.
Top 3 – CMA-CGM
CMA CGM S.A. là tập đoàn vận tải và vận chuyển container hàng đầu của Pháp, được thành lập vào năm 1978. Hiện nay, đây không chỉ là hãng tàu lớn nhất nước Pháp mà còn giữ vị trí thứ ba thế giới trong ngành vận tải container. Với 257 tuyến vận chuyển kết nối 420 cảng tại 160 quốc gia, CMA CGM đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đến năm 2024, CMA CGM sở hữu thị phần 12,5%, vận hành 646 tàu với tổng sức chứa lên tới 3,7 triệu TEU, tiếp tục khẳng định vị thế trong cuộc đua giữa các ông lớn ngành vận tải biển.
Top 4 – COSCO
Tập đoàn Vận tải biển Trung Hoa (COSCO Group) là một trong những tập đoàn vận tải và hậu cần lớn nhất thế giới, trực thuộc Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đặt trụ sở tại Ocean Plaza, Tây Thành, Bắc Kinh, COSCO đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Không chỉ mạnh về vận tải container, COSCO còn dẫn đầu thế giới về vận chuyển hàng rời và hàng khô, đặc biệt là các mặt hàng nông sản.
Tính đến năm 2024, COSCO giữ vị trí hãng tàu lớn thứ 4 thế giới, chiếm 10,8% thị phần vận tải đường biển, vận hành 507 tàu với tổng sức chứa 3,2 triệu TEU, tiếp tục mở rộng sức ảnh hưởng trên thị trường logistics toàn cầu.
Top 5 – Hapag-Lloyd
Hapag-Lloyd AG là một công ty vận tải container và vận chuyển quốc tế lớn nhất tại Đức và lớn thứ 5 trên thế giới với 7% thị phần vận tải đường biển toàn cầu.
Công ty được thành lập vào năm 1970 với 400 văn phòng tại 137 quốc gia, 14,300 nhân viên và vận hành 287 tàu với sức chứa 2.1 triệu TEU.
Liên minh các hãng tàu container (theo Alphaliner)
Sự thay đổi của các liên minh hàng hải toàn cầu từ năm 2025
Thế giới vận tải biển sắp chứng kiến một sự thay đổi lớn khi liên minh 2M giữa MSC (hãng tàu số 1 thế giới) và Maersk (số 2) sẽ chính thức chấm dứt vào năm 2025. Điều này mở ra một cuộc tái cơ cấu thị phần mạnh mẽ trong ngành vận tải container toàn cầu.
- Ocean Alliance (CMA CGM, COSCO, Evergreen, OOCL) sẽ trở thành liên minh lớn nhất với 29,1% thị phần nếu giữ nguyên tình trạng hiện nay.
- Gemini Cooperation – liên minh Maersk và Hapag Lloyd, sẽ ra mắt vào tháng 2/2025, chiếm 21,6% thị phần, trở thành liên minh lớn thứ hai toàn cầu.
- The Premier Alliance (ONE, YML, HMM) sẽ giảm xuống 11,6% thị phần.
Đáng chú ý, MSC – hãng tàu lớn nhất thế giới vẫn giữ chiến lược hoạt động độc lập, nhưng vẫn duy trì 19,9% thị phần toàn cầu, cho thấy sức mạnh vượt trội của hãng này.
Ngoài ra, các hãng tàu không liên minh, bao gồm ZIM (2,3% thị phần), sẽ đưa tổng thị phần của nhóm này lên 17,8%.
Cuộc đua trên biển đang bước vào giai đoạn tái định hình, hứa hẹn một cuộc cạnh tranh khốc liệt trong ngành logistics toàn cầu.